/
/

15 hoạt động nghệ thuật dành cho trẻ mầm non

09/03/2023

Bạn đang tìm kiếm những hoạt động nghệ thuật đơn giản, dễ thực hiện tại nhà hoặc ở trường cho trẻ mầm non?

Cách tốt nhất để khiến trẻ nhỏ tham gia hoạt động nghệ thuật là cho trẻ tự do thử nghiệm các nguyên liệu và công cụ nghệ thuật khác nhau.

Bài viết này sẽ đưa ra một số ý tưởng về các hoạt động nghệ thuật thiết thực, thường nhật, giúp trẻ nâng cao kỹ năng tự học, và không quá cầu kỳ, phức tạp.

Tại sao nghệ thuật sáng tạo lại quan trọng đối với trẻ mầm non?

Nghệ thuật mang lại lợi ích cho sự phát triển của trẻ trên nhiều phương diện:

  •   Giúp xây dựng kỹ năng vận động.
  •   Giúp phát triển kỹ năng cầm bút trước khi học viết.
  •   Dạy trẻ cách lập kế hoạch trên giấy.
  •   Giúp trẻ phát triển nhận thức thị giác.
  •   Giúp trẻ trình bày ý tưởng và khái niệm.
  •   Quá trình sáng tạo nghệ thuật góp phần tăng cường khả năng tập trung của trẻ.
  •   Nghệ thuật thường liên quan đến việc giải quyết vấn đề.

15 hoạt động nghệ thuật dành cho trẻ mầm non

Sau đây là một số ý tưởng nghệ thuật sáng tạo cơ bản, thiết thực, dễ thực hiện tại nhà hoặc ở trường cho trẻ mà không cần chuẩn bị nhiều. Một số hoạt động hoàn toàn do trẻ chủ động, kích thích sự sáng tạo của trẻ mầm non.

Ba mẹ có thể điều chỉnh các nguyên liệu, công cụ khác nhau để tạo nên sự mới mẻ, tránh nhàm chán cho trẻ.


1.Vẽ tranh bằng ống hút

Với ống hút trong tay, trẻ có thể vẽ tranh bằng cách vẩy hoặc thổi màu vẽ. Đơn giản chỉ cần nhúng ống hút vào màu vẽ rồi vẩy lên giấy, hoặc nhỏ giọt màu vẽ lên giấy, rồi thổi qua ống hút để màu vẽ loang ra. Kết quả sẽ vô cùng ấn tượng và khác biệt.

2. Vẽ tranh bằng ngón tay

Ba mẹ có thể mua hoặc tự làm màu vẽ (finger paint) tại nhà bằng những nguyên liệu đơn giản như màu thực phẩm pha với kem tươi, bột gelatine pha với sữa chua nguyên chất, màu thực phẩm pha với siro bắp, màu thực phẩm pha với nước và bột mì, bột bắp pha với nước và sơn acrylic.

Đưa tờ giấy lớn cho trẻ, rồi để trẻ thỏa sức “vẽ” tranh bằng ngón tay mà không cần chỉ dẫn. Đây là một trải nghiệm xúc giác tuyệt vời, tác động đến các cơ ngón tay của trẻ.

3. Cắt dán màu

Đưa tạp chí và giấy trắng cho trẻ, rồi yêu cầu trẻ tạo bức tranh cắt dán chỉ với một màu nhất định. Trẻ có thể cắt hoặc xé giấy từ tạp chí, và dán phủ kín tờ giấy trắng.

Cắt và xé là hai kỹ năng quan trọng nhưng khá “khó nhằn” đối với một số trẻ, nên cần thực hành nhiều.

4. In lá cây

Chọn nhiều loại lá cây có hình dáng khác nhau từ khu vườn hoặc công viên. Lấy cọ lớn vẽ lên những chiếc lá, rồi in chúng lên tờ giấy trắng.

Việc cầm những chiếc lá và cẩn thận lật chúng lại để in đòi hỏi nhiều kỹ năng phối hợp. Một lần nữa, hãy để trẻ tự quyết định sử dụng bao nhiêu chiếc lá, chọn màu gì, và in chúng ra sao.

Trong quá trình đó, ba mẹ nhớ trò chuyện về mẫu hoa văn mà các đường gân lá tạo ra nhé. Điều này sẽ giúp trẻ học được nhiều điều thú vị, và hứng thú với việc mình đang làm.

5. In khoai tây

Ảnh minh họa

Nếu bạn có mấy củ khoai tây đang bắt đầu mềm, hãy cắt chúng làm đôi, tỉa hoa văn đơn giản trên chúng, hoặc giữ nguyên hình dạng tự nhiên của chúng.

Sau đó, nhúng khoai tây vào khay màu vẽ, rồi in lên giấy. Dễ như ăn bánh!

6. Tạo hình từ vỏ hộp

Đối với hoạt động này, ba mẹ cần tin tưởng vào trẻ. Chuẩn bị sẵn kéo, băng keo, và đủ loại vỏ hộp khác nhau, rồi xem trẻ làm gì với chúng. Khi để trẻ một mình với chúng, ba mẹ chắc hẳn sẽ thấy trẻ tạo hình đủ thứ đẹp mắt từ vỏ hộp.

7. Tranh ghép hình

Cắt những hình khác nhau từ giấy màu, rồi ghép các hình để tạo thành bức tranh. Ba mẹ cứ để trẻ thỏa sức sáng tạo, xem trẻ tạo ra những gì.

Hoặc ba mẹ có thể cùng con làm nên đoàn tàu làm từ hình chữ nhật và hình tròn, ngôi nhà, con vật, hoặc con người. Trẻ sẽ cần bút chì màu để tô điểm thêm chi tiết, chẳng hạn như cánh tay bên hông, lông mày phía trên mắt.

8. Tranh bong bóng

Đối với hoạt động này, ba mẹ cần chuẩn bị tô nước rửa chén pha loãng, màu vẽ hoặc màu thực phẩm. Hướng dẫn trẻ cầm ống hút thổi vào nước, rồi đặt úp tờ giấy lên bọt bong bóng để bắt lấy, và tạo thành những bức tranh, hoạt động này thực sự rất thú vị.

9. Vẽ đồ vật

Ba mẹ có thể dạy trẻ học vẽ bằng cách nhìn đồ vật. Thay vì yêu cầu trẻ vẽ ngôi nhà đơn giản với hình tam giác chồng lên trên hình vuông, hãy cho trẻ ngồi trên bãi cỏ vẽ ngôi nhà thực thụ bằng cách nhìn, rồi mô tả hình dáng và màu sắc. Trẻ có thể muốn bắt đầu với đồ vật nhỏ hơn như vẽ cái cây chẳng hạn.

Có một sự thật rằng, khi trẻ được khuyến khích vẽ những gì chúng tận mắt nhìn thấy nhiều khi vẽ những bức tranh đẹp đến mức khiến chúng ta phải ngỡ ngàng. Đôi khi tất cả những gì trẻ cần là giấy, bút chì, và cục gôm thôi.

10. Tranh ghép thiên nhiên

Làm tranh ghép thiên nhiên rất thú vị, với hoạt động này, trẻ có thể đi dạo trong vườn hoặc công viên thu lượm đủ loại nguyên liệu thiên nhiên – lá cây, cành cây, cỏ, hoa,… Cùng với một ít keo dán và giấy để tạo nên bức tranh ghép thiên nhiên tuyệt đẹp.

11. In bọt biển

Sử dụng miếng bọt biển cũ cho hoạt động nghệ thuật này. Giữ nguyên hoặc cắt ra. Nhúng vào màu vẽ hoặc màu nước, rồi in lên giấy.

12. Vẽ tự do

Mỗi ngày trẻ nên có thời gian dành cho hoạt động vẽ tự do. Miễn là có giấy và công cụ vẽ trong tay, chẳng hạn như bút chì, sáp màu, bút marker, hoặc phấn màu, trẻ có thể thỏa sức vẽ theo ý mình.

Theo thời gian, những nét vẽ nguệch ngoạc biến thành hình ảnh dễ nhận biết, và sau đó trở thành bức tranh phức tạp với nhiều chi tiết. Vẽ là hoạt động nghệ thuật cơ bản nhất, nơi khởi nguồn sáng tạo.

Để tiến bộ, trẻ cần dành nhiều thời gian cho hoạt động vẽ tự do bằng đủ loại công cụ vẽ khác nhau.

13. Vẽ chân dung

Ba mẹ ngồi đối diện với trẻ, hoặc cho trẻ ngồi đối diện với nhau theo cặp, rồi vẽ chân dung của nhau bằng bút chì.

Thảo luận trước khi bắt đầu về các đặc điểm trên khuôn mặt, màu mắt, hình dáng mắt, độ dài của tóc,… Đây là thời điểm tạo nên những kỷ niệm vui vẻ với trẻ.

14. Tranh đá

Tìm những viên đá có kích thước phù hợp, rồi vẽ tranh trên chúng bằng cọ vẽ nét mảnh. Cọ vẽ nét càng mảnh càng vẽ được nhiều chi tiết.

Đối với trẻ nhỏ, có thể cung cấp cọ vẽ nét dày hơn nếu chúng muốn vẽ tranh phủ kín viên đá. Trẻ lớn hơn thậm chí có thể quét lớp màu lót lên viên đá, rồi vẽ chi tiết bằng cọ nhỏ hơn sau khi màu lót đã khô.

Sau khi vẽ xong, Ba mẹ có thể sử dụng những viên đá sắc màu này  làm đồ chặn giấy như một món quà từ trẻ. Khi nói đến hội họa, ý tưởng là vô tận.

15. Cắt dán

Trẻ hiếm khi dành thời gian cho việc cắt dán tự do khi mọi thứ ngoài kia đều có sẵn. Nhưng đây lại là hai kỹ năng quan trọng cần rèn luyện thường xuyên. Ba mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ tự do sáng tạo với kéo, keo dán, và các loại giấy khác nhau như khăn giấy, giấy carton, giấy báo, giấy màu,… biết đâu trẻ sẽ tìm ra được điều yêu thích của bản thân.

 

 Nguồn: empoweredparents

  1. […] Xem thêm 15 hoạt động nghệ thuật dành cho trẻ mầm non […]

Post a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các tin khác