/
/

“Cuốn truyện mọi trẻ em Việt Nam đều đọc”

26/04/2016

Lê Long Bảo Trung, sinh viên năm nhất ngành Cơ điện tử trường ĐH HUTECH TPHCM. Dù đã là sinh viên nhưng Trung vẫn còn rất thích đọc truyện tranh, đặc biệt là Thần Đồng Đất Việt (TĐĐV). Trung cho biết mình là một fan “bự” và lâu năm của TĐĐV.

Lê Long Bảo Trung – Sinh viên năm nhất trường ĐH HUTECH TPHCM 

Một buổi chiều ngày thường, Bảo Trung đã đến thăm Phan Thị và có một chuyến tham quan, trò chuyện cùng họa sĩ truyện TĐĐV. Cùng xem những chia sẻ của Trung về kỷ niệm với Thần Đồng Đất Việt khi còn trẻ thơ và kéo dài cho đến bây giờ.

Kỷ niệm lần đầu tiên bạn đến với TĐĐV như thế nào?
Lúc đi mẫu giáo, đi ngang qua sạp báo, giữa những cuốn truyện nổi tiếng ngày đó như Thám tử lừng danh Conan, Doreamon thì TĐĐV tập 1 Pháp Sư Gọi Bưởi lại thu hút mình. Một cuốn truyện nằm lọt thỏm giữa những cuốn truyện có trang bìa đặc sắc. Tuy cuốn truyện đó đã bị bám bụi nhưng không hiểu sao nó lại mang đến sự ấn tượng lớn trong mình.
Mình mang cuốn truyện về nhà và mới đọc được 3 trang thì ngồi cười khúc khích. Ba mình đi qua thấy con trai sao cắm đầu vô một cuốn truyện mà cười như vậy nên đã hỏi mình. Mình đưa cho ba đọc. Đọc xong ba cũng trở thành một fan của TĐĐV luôn. Nhưng giờ ba đã lớn tuổi, mắt cũng kém nên không còn đọc nhiều được nữa. Nhiều khi ban ngày rảnh thì ba mình mới lôi truyện ra đọc thôi. Đó là kỷ niệm trong lần đầu tiên mình có TĐĐV. 

Bảo Trung được giới thiệu về quy trình làm ra một cuốn truyện tranh 

Với trang bìa, tranh vẽ và nội dung như vậy, TĐĐV đã thực sự tạo cho bạn sự tò mò và chú ý không?
Ngày đó, những cuốn truyện xung quanh ở trên kệ như Doreamon, Conan… quá nổi bật, còn TĐĐV có trang bìa nhạt hơn so với những cuốn sách này. Nhưng vẻ ngoài bình thường như vậy cũng chính là nét thu hút của TĐĐV. Giữa những thứ quá nổi bật thì một cái khác biệt, không màu sắc như TĐĐV lại thu hút người đọc nhiều hơn. Còn khi đặt riêng cuốn TĐĐV thì mình thấy rằng cuốn truyện khá dễ thương, một cậu bé đầu ba chỏm có khả năng “gọi bưởi”. Ngay từ đầu đọc mình đã thấy lạ, lạ ở nội dung, lạ ở tên truyện. Chính tên tập truyện cũng làm mình tò mò, như tập 1 là “Pháp sư gọi bưởi”, sao cậu bé này ko gọi gió gọi mưa mà là gọi bưởi. Những cuốn truyện TĐĐV khá bắt mắt. Một số rất đẹp, một số đơn giản nhưng cũng để lại ấn tượng dài lâu cho độc giả với cách trình bày trang bìa, như tập 70: Trận chiến phản công. Những cuốn có nội dung rất hay so với những cuốn khác thì mình luôn coi đó là tập lớn tập lớn của những tập lớn.

Bảo Trung được gặp và nói chuyện cùng chú Sáu – người dàn trang cho truyện tranh Thần Đồng Đất Việt 

Điểm thú vị về nội dung mà TĐĐV mang đến cho bạn là gì?
Nội dung truyện được xếp thành một chuỗi sự kiện lịch sử từ tập này qua tập khác. Ví dụ như tập 64: Bắc quốc có mưu đồ xâm chiếm, tập 65: Thi tài Võ trạng, tập 66: Dẹp loạn ở vùng Đà Giang, tập 67: Trận đánh ở Bình Địa Nguyên, 50 vạn đấu với 3 vạn quân Đại Việt.
Thời điểm đó thì mình gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Nhưng những tập truyện TĐĐV đã giúp mình nhớ nhanh hơn các sự kiện. Những cuốn truyện này có nội dung liên tiếp, đi theo các giai đoạn lịch sử của đất nước. Mình luôn có cảm giác chờ mong vào những tập tiếp theo, mong chờ tập tiếp theo có nội dung như thế nào, có nhắc đến sự kiện lịch sử nào hay không.
Đối với mình, TĐĐV giống như một cuốn lịch sử Việt Nam được thể hiện qua tranh vẽ, như một cuốn từ điển bách khoa, cuốn sách gối đầu giường vậy đó. Ví dụ lịch sử về vua nhà Trần, nhà Hồ, mình không nhớ, những kiến thức về khoa học, địa lý, những cái mà trong thực tế khó hiểu thì khi mở cuốn TĐĐV ra mình đều có thể biết và hiểu nó theo cách đơn giản.

Trò chuyện về những kỷ niệm Bảo Trung đã có với Thần Đồng Đất Việt

Bạn có cho rằng TĐĐV nên thay đổi khác đi để thu hút bạn đọc hơn hay không?
Mình nghĩ rằng truyện vẫn cứ tiếp tục như hiện tại. Bởi, TĐĐV đã thu hút bạn đọc từ những gì đơn giản và riêng biệt. Nếu cần thay đổi thì cũng chỉ là suy nghĩ thêm cho phần nội dung của truyện để cho ra những tập truyện hay hơn nữa thôi. Bên cạnh đó, mình cũng cho rằng để nhân vật có hồn thì truyện không nên lạm dụng quá nhiều vào máy tính.

Bạn đã từng nghĩ đến một ngày nào đó TĐĐV sẽ dừng lại không? Nếu điều này xảy ra bạn cảm thấy như thế nào?
Mình là fan của TĐĐV đã từ rất lâu rồi. Ngày xưa để có thể mua truyện, mình phải nhịn ăn sáng để dành tiền. Chính vì vậy khi TĐĐV kết thúc, mình sẽ rất buồn. Truyện đi đến tập cuối thì mỗi người yêu truyện sẽ có một cảm giác riêng. Dù không ai muốn truyện kết thúc nhưng chắc chắn điều này phải xảy ra. Nếu kết thúc, mình muốn truyện sẽ là một kết thúc có hậu. Các nhân vật TĐĐV sẽ chào tạm biệt độc giả.
Khi TĐĐV kết thúc, mình nghĩ rằng truyện sẽ trở thành một món đồ để sưu tầm như tem hay những đồ cổ, đồ quý vậy.

Bạn là một fan chính hiệu của TĐĐV. Vậy có khi nào bạn muốn giới thiệu bộ truyện đến những người chưa đọc qua hay cho những người nước ngoài không?
Người yêu mình hay hỏi “Anh lớn rồi sao vẫn mê TĐĐV vậy?”. Nhưng khi mình đưa cuốn truyện cho cô ấy đọc thì giờ cô ấy cũng mê TĐĐV như mình luôn. Có một lần, cuốn TĐĐV tập 72 bản in hạn chế có tặng móc chìa khóa trạng Tí có logo Phan Thị,  hai đứa đã giành nhau cái móc khóa đó. Tiếc lắm, nhưng cuối cùng mình cũng phải nhường cô ấy.
Còn về việc giới thiệu cho người bạn ngoại quốc thì tuy vốn từ tiếng anh của mình không được nhiều và tốt lắm nhưng nếu có cơ hội gặp được người nước ngoài hay một người bạn ngoại quốc, mình chắc chắn sẽ giới thiệu truyện TĐĐV đến họ. Mình sẽ nói với họ nếu như Nhật Bản có manga thì đất nước mình cũng có TĐĐV. TĐĐV không phải là một cuốn truyện bình thường mà nó còn đại diện cho cả nền văn hóa. Và đây là cuốn truyện mà mọi đứa trẻ Việt Nam đều đọc.

Tham quan phòng họa sĩ của công ty Phan Thị 

Ngoài TĐĐV bộ thường thì Phan Thị còn cho phát hành bộ TĐĐV Hoàng Sa Trường Sa. Bạn thấy bộ truyện này như thế nào?
TĐĐV Hoàng Sa Trường Sa ra đúng thời điểm, cần thiết và đầy đủ. Vào thời điểm đó,  quan hệ biển đảo giữa Việt – Trung rất căng thẳng, mọi người đều bức xúc và lên tiếng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. TĐĐV Hoàng Sa Trường Sa xuất bản như một lá thư, một lời kêu gọi giúp mọi người nhận thức rõ hơn về biển đảo của chúng ta. Nếu nó bị mất thì chúng ta đều có lỗi.

Ngoài TĐĐV, bạn còn thích bộ truyện nào khác không?
Ngoài TĐĐV, mình còn đọc TĐĐV Khoa học, TĐĐV Mỹ thuật, TĐĐV Toán học, TĐĐV Hoàng Sa Trường Sa, Học Sinh Chân Kinh, Danh tác Việt Nam.
Học Sinh Chân Kinh là một cuốn truyện với đề tài chủ yếu về học đường nhưng được viết dưới góc nhìn rất là ngộ, vui tươi. Ngay từ tập đầu tiên mình đọc thì cười không ngừng được, đúng với câu mà truyện ghi là “Ngồi cho vững trước khi đọc”.  Lúc đầu mình nghĩ nó chỉ là truyện cười thôi nhưng mà những tập về sau thì nó mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Nó đề cập đến các vấn đề giáo dục hiện nay, nhân phẩm con người, tệ nạn cuộc sống,…
Sau chuyến tham quan phòng họa sĩ và được nói chuyện cùng ekip làm TĐĐV, Trung thấy mình thật may mắn vì những ước mơ thuở nhỏ đã được thực hiện. Bạn chỉ tiếc rằng không được gặp cô Mỹ Hạnh – người đã tạo ra bộ truyện TĐĐV. Phan Thị hẹn bạn vào lần sau nhé. Chúc bạn học tốt và luôn gắn bó với TĐĐV!
Hiền Đặng

————————————————————————
Phan Thị – Đại sứ truyền thông văn hóa Việt

Post a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các tin khác