Trẻ bắt đầu phát triển kỹ năng toán học ngay từ khi chúng vẫn còn là trẻ nhỏ trong quá trình khám phá môi trường xung quanh, và cứ tiếp tục như vậy cho đến tuổi mẫu giáo.
Việc này giúp trẻ đến khi bước vào lớp một, chính thức học các khái niệm toán học, thì trẻ đã có sẵn nền tảng tốt.
Qua bài viết, Ba mẹ có thể tham khảo mẹo dạy toán tại nhà thông qua các hoạt động thiết thực và phương pháp cụ thể – hình ảnh – trừu tượng.
Kỹ năng toán học sớm là gì?
Kỹ năng toán học sớm, hay còn được gọi là kỹ năng tiền toán học, là những kỹ năng và khái niệm toán học mà trẻ tiếp thu một cách không chính thức trong những năm đầu đời.
Trẻ cần phát triển kỹ năng này trước khi đến với những khái niệm toán học quá cao cấp đối với chúng.
Khi cho trẻ làm quen với toán học, bạn có lẽ nghĩ ngay đến các con số, và bắt đầu dạy trẻ tập đếm, nhận diện mặt số, và cộng trừ.
Mặc dù học đếm đến 10 là hoạt động rất thú vị đối với trẻ nhỏ, nhưng hiểu giá trị và ý nghĩa tượng trưng của các con số lại là kỹ năng nâng cao.
Nếu bạn yêu cầu trẻ nhỏ đếm 5 đồ vật bằng cách chạm vào từng đồ vật một, bạn có thể sẽ thấy trẻ đếm cùng một đồ vật đến hai lần, hoặc bỏ qua một số đồ vật.
Đầu tiên, bạn cần biết cách dạy trẻ học toán, rồi sau đó giúp trẻ phát triển kỹ năng toán học sớm.
Dạy trẻ học toán theo phương pháp cụ thể – hình ảnh – trừu tượng
Hành trình học toán trải qua ba giai đoạn: cụ thể, hình ảnh, và trừu tượng.
Giai đoạn cụ thể
Trong giai đoạn cụ thể, trẻ cần trải nghiệm vật lý khái niệm toán học. Trẻ cần phát triển khả năng nhận biết đồ vật bằng cách cầm nó.
Bằng cách chơi với những đồ vật cụ thể, trẻ hình thành khái niệm rằng có một đồ vật, nhiều đồ vật, ít đồ vật hơn, nhiều đồ vật hơn,…
Nhiều quy trình toán học diễn ra trong khi trẻ xây tháp từ những khối hình, làm bánh bùn trong hố cát,… Trẻ học các khái niệm như nhiều hơn, ít hơn, không đủ, thêm vào, bớt đi,…
Trẻ so sánh các đồ vật và biết rằng có thể gán giá trị cho đồ vật.
Giai đoạn hình ảnh
Tiếp sau giai đoạn cụ thể là giai đoạn hình ảnh. Trong giai đoạn này, trẻ có thể nhìn hình đồ vật mô phỏng và hiểu rằng nó tượng trưng cho đồ vật thực.
Ví dụ, trẻ có thể nhìn bức tranh và hiểu rằng 4 chiếc lá trong bức tranh tượng trưng cho 4 chiếc lá thực.
Sau này, trẻ nhìn thấy viên xúc xắc có 4 dấu chấm và gán giá trị 4 cho nó, biết rằng các dấu chấm có thể tượng trưng cho đối tượng bất kỳ.
Trẻ sẽ cộng 4 dấu chấm trên viên xúc xắc này với 3 dấu chấm trên viên xúc xắc kia, rồi nói có cả thảy 7 dấu chấm.
Giai đoạn trừu tượng
Đây là giai đoạn cuối cùng của hành trình học toán, nghĩa là trẻ có thể nhìn vào một bài toán số học, chẳng hạn như 4 + 3, được viết dưới dạng ký hiệu số, và cộng chúng mà không cần đến đồ vật hoặc hình ảnh cụ thể.
Với giai đoạn này, trẻ đã đủ trưởng thành để hiểu ký hiệu số 4 và 3 tượng trưng cho số đồ vật sẽ được cộng.
Trẻ mẫu giáo đang trong giai đoạn cụ thể, hình ảnh, hay trừu tượng?
Trẻ mẫu giáo hầu hết đang trong giai đoạn cụ thể.
Trên thực tế, đến năm lớp ba hoặc bốn, giáo viên vẫn sẽ giới thiệu khái niệm mới theo cách cụ thể trước khi chuyển sang sách giải toán.
Một khi trẻ nắm vững khái niệm cụ thể, việc giải toán trừu tượng sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Điều này có nghĩa là cố gắng ép buộc trẻ mẫu giáo học đếm hình đồ vật hoặc hiểu giá trị của ký hiệu số là quá sớm cũng sẽ không mang đến kết quả như mong muốn.
Ba mẹ có thể muốn trẻ làm quen với các con số (chẳng hạn như chơi với những con số bằng gỗ hoặc nam châm) hoặc những bài hát học đếm số, nhưng đừng mong đợi trẻ hiểu được giá trị của những con số này.
Nguồn: How to Teach Maths to Preschoolers