Một doanh nghiệp hình thành và trụ được trên thị trường đã là một thành công. Doanh nghiệp tạo nên tiếng vang, có sản phẩm mang giá trị kinh tế và giá trị tinh thần cho xã hội là một thành công lớn. Có thể nói Phan Thị đã đạt được thành công lớn đó, và cỗ xe Phan Thị vẫn đang tiếp tục lăn bánh trên con đường đã chọn của mình, một cách vững chãi và không do dự. Phan Thị có đũa thần? Có phép lạ? Chẳng có đũa thần hay phép lạ nào đến từ bên ngoài mà không phải đánh đổi. Vậy trang sử Phan Thị đã được viết lên từ những sức mạnh nào?
Một sức mạnh bên trong đã là một thứ sức mạnh vô hình nhưng lại mạnh vô song, giúp cho Phan Thị có một con đường đi đúng, vin vào đó mà phát triển. Đó chính là tinh thần dân tộc rất lớn. Trong khi các đơn vị đua nhau xuất bản truyện tranh nước ngoài vốn đang là món ăn quý hiếm, thì Phan Thị đã táo bạo nghĩ đến một món ăn quý hiếm hơn, đó là TRUYỆN TRANH VIỆT NAM. Mấy ai dám nghĩ về điều này trong cùng thời điểm đó?
Nhưng ý thức tự tôn dân tộc đã khiến Phan Thị đau đáu nghĩ về một sản phẩm của người Việt, tôn vinh được văn hóa Việt, vận dụng được tài năng, óc sáng tạo của người Việt.
Vì sao văn hóa Việt Nam cũng phong phú, dày dặn lịch sử, đầy đặn bản sắc riêng, lại không được biết tới một cách phổ biến như văn hóa nước ngoài du nhập vào bằng con đường truyện tranh?
Tại sao dân ta rành rẽ văn hóa nước ngoài mà không hề biết những giai thoại độc đáo, câu chuyện lịch sử đáng tự hào của nước mình?
Và cuối cùng là, truyện tranh - tại sao người ta làm được mà mình thì không?
Chính tinh thần dân tộc mạnh mẽ đó đã giúp Phan Thị tìm được một con đường đi riêng, mang ý nghĩa tinh thần rất lớn: làm bùng lên ngọn lửa tự hào về đất nước của mình, biến thành năng lượng sáng tạo, từ đó có thể tạo ra sản phẩm truyện tranh Việt đặc sắc là Thần Đồng Đất Việt, vượt qua cả ngọn sóng ồ ạt của truyện tranh nước ngoài vào thị trường Việt Nam lúc bấy giờ.
Đề tài đắc địa
Cũng chính từ lòng tự hào dân tộc ấy, Phan Thị đã chọn con đường vinh danh văn hóa, con người Việt. Những ấn phẩm nối tiếp nhau ra đời, với đề tài đều nằm trong tiêu chí đó. Thần Đồng Đất Việt với Trạng Tí thông minh đại diện cho trí tuệ Việt, Truyện Hay Sử Việt với những câu chuyện lịch sử đầy hào khí nước Việt, Sắc Màu Cổ Tích khơi nguồn yêu cổ tích của các em bằng những câu chuyện cổ Việt Nam; Danh Tác Việt Nam làm sống dậy những tác phẩm văn học kinh điển nước nhà… Những sản phẩm tiếp theo của Phan Thị, cho dù với nhân vật hiện thực hay giả tưởng, văn hóa hiện đại hay văn hóa dân gian, chắc chắn đều mang đậm tinh thần chấn hưng tinh hoa văn hóa nước nhà.
Đây là một đề tài không phải không ai nghĩ đến, mà thật sự nhiều nơi “kính nhi viễn chi”, không dám đụng đến. Phan Thị đã dũng cảm khai thác đề tài này, dũng cảm trải nghiệm. Chính đề tài ý nghĩa, thân thiện, gần gũi đã giúp Phan Thị dần dần chiếm được cảm tình của bạn đọc nước nhà. Tất nhiên, con đường “xuất ngoại” của sản phẩm made in Vietnam này cũng mang ý nghĩa lớn: văn hóa ViệtNam có cơ hội đến với thế giới. Khi đó, Phan Thị tất là đã lập được một công lớn với non nước mình.
Khó khăn, thử thách là cơ hội
Bên cạnh lợi thế tinh thần, không phải Phan Thị không gặp khó khăn trên con đường của mình. Đó không chỉ là khó khăn chung của bất cứ doanh nghiệp nào mà còn là những khó khăn rất đặc thù. Ví dụ như, làm thế nào để truyền tải văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả mà không làm mất đi yếu tố truyện? Làm thế nào để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập? Làm thế nào để thuyết phục những ánh nhìn còn nhiều thành kiến với những cách tân đổi mới của Phan Thị? V.v.
Nhưng, những khó khăn đó chính là cơ hội để Phan Thị thể hiện tinh thần thép, thể hiện lòng đam mê vượt qua mọi thử thách. Khi vượt qua được những chướng ngại đó, Phan Thị càng chứng tỏ được đường đi đúng đắn của mình, để những bức tường thành kiến phải xiêu đổ, lay động được những lý thuyết cứng rắn, để những ánh mắt khắt khe cũng phải bắt đầu nhìn lại.
Vậy có thể nói, những khó khăn thử thách trên vùng đất mới của Phan Thị cũng chính là cơ hội để Phan Thị vươn lên tầm bực khác, cao lớn hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn.
Sáng tạo không ngừng
Áp dụng những thành tựu từ nước ngoài vào sản phẩm của mình, nhưng Phan Thị đã làm nên một sức sống mới bằng khả năng sáng tạo dồi dào. Sự sáng tạo thể hiện trong cách chọn lọc nội dung, cách phối hợp đường vẽ. Sáng tạo cả trong cách thức kinh doanh, điều phối giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa để sản phẩm của Phan Thị có một cuộc sống phong phú trong thị trường truyện tranh Việt Nam.
Sáng tạo lớn nhất của Phan Thị ở những ý tưởng của các bộ truyện tranh. Ai có thể nghĩ làm truyện tranh từ những kiệt tác văn học Việt Nam, vốn được đông đảo người đọc yêu mến qua những áng văn viết? Ai dám làm một bộ truyện tranh về Bác Hồ, xây dựng một thần tượng Việt Nam bằng truyện tranh? Ai nghĩ ra được cách phổ cập kiến thức toàn bộ lịch sử Việt Nam mấy ngàn năm bằng bộ truyện minh họa thú vị, sinh động, dễ đi vào lòng người đọc?
Sức sáng tạo và khả năng tư duy không ngừng nghỉ đó hứa hẹn những sản phẩm độc đáo khác của Phan Thị trong tương lai.
Khai thác sức mạnh cộng đồng
Một đoàn tàu chạy trên đường ray, nhanh hay chậm, hanh thông hay ì ạch, phụ thuộc vào đầu máy, các toa tàu ăn khớp, dầu nhớt được bôi trơn… Các bộ phận dù chính hay phụ thì cũng dự phần vào hành trình của cỗ máy. Một công ty cũng vậy, không khác gì.
Phan Thị đã thành công nhờ phối hợp sức mạnh của từng thành viên. Dù là quản lý hay một nhân viên bình thường, sự đóng góp của các thành viên trong Phan Thị đều là một phần không thể thiếu.
Phan Thị đặc biệt quý trọng nhân tài – đó là mấu chốt của cách dùng người lão luyện. Khi thế giới nằm trong quy luật sòng phẳng, song phương, cùng có lợi, trọng dụng nhân tài vẫn là một nguyên tắc đúng, luôn đem lại hiệu quả lớn cho người sử dụng lao động.
Phan Thị đặc biệt trọng dụng tài năng trẻ. Với Phan Thị, đó là những phụ tá đắc lực của Đại sứ truyền thông văn hóa Việt, hội tụ những yếu tố tích cực cho công cuộc chấn hưng văn hóa Việt: thông minh, tài hoa, có thừa nhiệt huyết. Nhiệt tâm với nghề, đó mới là điều quan trọng nhất trong lĩnh vực sáng tạo.
Chiến lược dùng người thông minh của Phan Thị không những tiếp thêm sức mạnh cho công ty, mà còn chắp thêm đôi cánh cho những nhân tài trẻ tuổi, tạo điều kiện cho tài năng của họ được phát huy.
Tâm huyết và quyết tâm theo đuổi
Tâm huyết khiến cho Phan Thị biết cách thất bại để thành công, vì một điều giản dị: không thể nào từ bỏ đam mê được.
Tâm huyết khiến cho Phan Thị chăm chút tới sản phẩm của mình từng chi tiết, để đó thật sự là những sản phẩm hoàn hảo nhất có thể trước khi ra mắt công chúng.
Lửa nhiệt thành đó thổi hồn vào từng nhân vật truyện, để những nhân vật của Phan Thị luôn sống động trong từng trang sách, gây ấn tượng trong lòng người đọc.
Niềm say mê không bao giờ dứt là yếu tố góp phần thành công của Phan Thị. Với bất cứ bộ truyện nào, Phan Thị cũng khai thác tới nơi tới chốn, không tiếc đầu tư để có sản phẩm chất lượng. Và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Phan Thị vẫn quyết tâm theo đuổi tới cùng những giá trị mình đã lựa chọn.
Một khi đã bắt đầu, cỗ máy Phan Thị không biết dừng lại.
Tổng hợp những yếu tố trên, Phan Thị hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa trong quá trình phát triển. Nhìn từ góc độ khác, tấm lòng vì văn hóa Việt sẽ luôn nhận được sự ủng hộ hữu hình, vô hình, là sức mạnh lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.